CÁCH LÀM BÁNH TỔ THƠM NGON, ĐƠN GIẢN CHO GIA ĐÌNH

Bánh tổ – một thức quà dân dã nhưng đầy ý nghĩa, là biểu tượng cho sự sum vầy, đoàn viên của gia đình Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Mang trong mình hương vị thơm ngon, dẻo bùi, bánh tổ không chỉ là món ăn truyền thống mà còn là một phần không thể thiếu trong mâm cúng tổ tiên, thể hiện lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với những thế hệ đi trước.

NGUYÊN LIỆU LÀM BÁNH TỔ

Bột nếp 200gram

Đường nâu 80gram

Gừng 1/2 củ

Mè trắng 10gram

CÁCH CHẾ BIẾN BÁNH TỔ

LÀM KHUÔN LÁ CHUỐI

Rửa sạch lá chuối, dùng kéo cắt lá chuối thành từng miếng có chiều ngang khoảng 30cm hoặc lớn hơn tùy theo kích thước bánh.

Xếp chồng hai lá chuối lên nhau, gấp chéo ba góc ở phần chiều dọc và dùng tăm đính vào góc để giữ chặt, tránh cho lá chuối bị bung ra.

Tiếp tục gấp chéo ba góc ở phần chiều ngang và dùng tăm cố định. Thực hiện tương tự cho đến khi hết phần lá chuối.

NẤU HỖN HỢP BÁNH TỔ

Gọt vỏ gừng và cắt sợi, sau đó cho vào nồi cùng 3 chén nước và đường nâu, rồi nấu sôi.

Tiếp theo, cho từ từ toàn bộ phần bột nếp vào, vừa cho vừa khuấy đều để bột nếp không bị vón cục.

Khi hỗn hợp bột chảy xuống từng dòng đặc khi nhấc vá lên, là đã đạt yêu cầu.

HẤP BÁNH TỔ

Quết 1 muỗng canh dầu ăn lên lá chuối, rồi đổ hỗn hợp bánh tổ vào, để cách miệng khuôn lá 1 – 3 cm.

Sau đó, đặt bánh vào xửng hấp và hấp chín trong khoảng 30 – 45 phút. Khi bánh chín, rắc mè rang lên bề mặt bánh là hoàn tất.

THÀNH PHẨM

Món bánh tổ trông thì đơn giản, nhưng lại có hương vị độc đáo rất ngon. Khi dùng thì cắt bánh tổ thành miếng nhỏ ăn không hoặc với chấm đường. Ngoài ra, bạn cũng có thể mang bánh tổ chiên lên ăn cũng rất ngon nữa đó.

NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

1. Nguồn gốc bánh tổ ở đâu?

Bánh tổ (niên cao) là loại bánh được chế biến từ bột gạo nếp và được dùng làm món tráng miệng hay bánh để cúng lễ trong ẩm thực Trung Quốc.

Mặc dù có thể ăn quanh năm, nhưng theo truyền thống, nó phổ biến nhất trong dịp Tết và nó cũng được ăn trong Tết Đoan Ngọ.

2. Những lưu ý gì khi làm bánh tổ?

Nếu bạn muốn bánh “đúng chuẩn người Hoa truyền thống” hơn thì nên mua gạo nếp về, vo sạch, phơi khô rồi đem xay hoặc giã thành bột mịn.

Nếu không có lá chuối có thể thay thế bằng chén hay các dụng cụ đựng khác tùy ý.

Trong quá trình hấp, thi thoảng nên mở nắp, lau bỏ nước đọng ở bên trong nắp xửng để tránh tình trạng nước nhỏ xuống làm rỗ và nát bánh.

3. Bánh tổ du nhập vào Việt nam khi nào?

Bánh này được người Hoa du nhập vào Hội An, tỉnh Quảng Nam từ thế kỷ 16 – 17 cùng với các công trình kiến trúc “phố Cổ” và tồn tại đến ngày nay.

Đây là món ăn đặc sản, có truyền thống lâu đời trong mỗi dịp Tết của người dân xứ Quảng.

Nhiều địa phương ở Quảng Nam đều làm bánh này vì khi xưa người Việt không biết ý nghĩa của bánh, nghĩ là dùng để thờ tổ tiên nên đặt là Bánh tổ.

KẾT LUẬN

Bánh tổ là món ăn không thể thiếu trên bàn thờ của rất nhiều gia đình mỗi dịp Tết đến, đây cũng là món bánh ngon, dễ làm và có thể chế biến để tạo thành các món ăn khác nhau như bánh tổ chiên bột, bánh tổ chiên giòn… Mong rằng với bài viết này, các bạn sẽ có thể tự mình làm ra được những chiếc bánh tổ thơm ngon để gia đình mình cùng thưởng thức.